Việc thí sinh (TS) được đăng ký bốn ngành theo bốn nguyện vọng (NV) khác nhau trong một trường và các NV này có giá trị xét tuyển ngang nhau đã dẫn đến tình trạng TS ảo: Một TS cùng lúc xuất hiện trên bốn danh sách đăng ký của bốn ngành. Điều này khiến TS không biết mình chính xác nằm ở vị trí nào, có khả năng đậu hay rớt để còn kịp rút hồ sơ. Phía nhà trường đến giờ này cũng không thể biết chính xác đã có bao nhiêu TS có khả năng đậu vào trường mình.
Việc tăng bốn NV xét tuyển đợt 1 ngỡ sẽ thuận lợi hơn cho TS có cơ hội đậu nay trở thành rối rắm, gây bức xúc trong TS và phụ huynh.
“Bộ không lường trước tác hại quá lớn của các TS ảo tác động đến tâm lý của TS thật” – PGS-Tiến sĩ Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, cho biết. Thay vì mỗi hồ sơ đăng ký xét tuyển chỉ được chọn một ngành Bộ lại cho phép mỗi TS được chọn tối đa bốn ngành. Bộ không ngờ rằng việc cho phép TS được chọn bốn ngành đã gây tác hại ngay từ khi nộp hồ sơ.
“Với quy định nêu trên, các TS điểm cao xuất hiện trong danh sách bốn ngành giống như chỉ có một Tề Thiên nhưng lại có thêm ba Tề Thiên được hóa thân từ cái lông khỉ xuất hiện ở bốn nơi” – ông Xê ví von. Chính điều này đẩy các TS có điểm thấp hơn bị đẩy xuống vị trí thấp làm cho TS hoang mang. Càng ngày số lượng TS điểm cao nộp đơn càng nhiều hơn nên sự rối loạn càng tăng mạnh hơn.
Tiến sĩ Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho biết tình trạng TS ảo gây không ít khó khăn cho việc xét tuyển của trường. “Tôi lấy ví dụ có 200 TS đăng ký xét tuyển vào trường, mỗi TS có bốn NV đăng ký vào bốn ngành nên tự nhiên có đến 800 TS xuất hiện trên dữ liệu nhưng thực tế chỉ 200 thí sinh thôi” – ông Danh nói.
Tình trạng TS ảo khiến việc xét tuyển ở các trường trở nên “u u minh minh”, cả TS và nhà trường đều cảm thấy bất an.
Tình trạng TS ảo gây hoang mang cho TS khi đăng ký xét tuyển ĐH. Ảnh: P.Điền
Sự rối loạn chưa biết về đâu
Để giải quyết trước mắt, ông Danh cho biết trường thông báo lấy điểm xét tuyển không quá thấp để ngăn tình trạng TS nộp vào ào ào sẽ gây ảo nhiều hơn, khó khăn trong xử lý thông tin. Việc này cũng giúp hạn chế tình hình TS rút ra ồ ạt. “Điểm xét tuyển cao vừa phải để số TS nộp vào tương đối ít. Trên cơ sở đó nhà trường đỡ vất vả xử lý dữ liệu TS” – ông Danh cho biết.
Mặt khác, hạn chót nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển cũng đã đến gần, để TS yên tâm hôm nay Trường Tôn Đức Thắng dự kiến sẽ công bố điểm chuẩn tạm thời. Theo đó, những TS có điểm cao hơn có thể yên tâm, TS có điểm kế cận cũng ổn định tâm lý không rút hồ sơ ra mà được tạo điều kiện chuyển qua ngành khác.
Còn Trường ĐH Cần Thơ chọn giải pháp xây dựng phần mềm lọc TS ảo. “Trong mấy ngày qua, sự lọc ảo này đã phát huy tác dụng” – ông Xê cho biết.
Tuy nhiên, nhiều trường ĐH khác chưa lường hết tác động này nên chưa chuẩn bị phương tiện công nghệ thông tin hỗ trợ nên chưa biết sự rối loạn này sẽ đi về đâu.
Trước tình hình rối này, Tiến sĩ Thái Doãn Thanh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, đề nghị nên mở rộng thời gian rút hồ sơ để TS có thời gian quan sát, đánh giá điểm của mình nộp vào ngành nào, trường nào thì phù hợp. Theo quy định cho phép TS nộp hồ sơ đến ngày 20-8, trong trường hợp những ngày cuối các trường chưa kịp cập nhật dữ liệu thì sẽ có nhiều TS bị đẩy khỏi “cuộc chơi”, rất khó tìm cửa để “chơi” tiếp. Như vậy những ngày cuối cùng xét tuyển mang tính quyết định rất quan trọng nhưng nếu các trường không cập nhật kịp dữ liệu và loại được tình trạng TS ảo sẽ gây bất lợi cho nhiều TS.
Theo ông Thanh, dự kiến ngày 15-8, trường sẽ “gút” lại điểm chuẩn tạm thời từng ngành, trên cơ sở đó TS sẽ biết điểm của mình có lọt vào danh sách an toàn hay không. Trên cơ sở đó lọc bớt các TS ảo, tạo cơ hội cho các TS khác tiếp tục nộp vào hoặc ở lại trụ hạng.
Trao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường
Phân tích tình trạng TS ảo, PGS-Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng việc Bộ GD&ĐT đưa ra bốn NV là nhằm tạo cơ hội trúng tuyển cho TS nhiều hơn, đó là điều tốt. Bộ cũng muốn khi thực hiện sẽ không có TS ảo xảy ra, chỉ tiếc điều này chưa làm được.
“TS hiện nay rất muốn biết mình đậu hay rớt để ổn định tâm lý. Đối với nhà trường cũng muốn tuyển được TS để sớm ổn định công tác xét tuyển. Để đáp ứng yêu cầu chính đáng này, trường muốn công bố điểm chuẩn dự kiến nhưng Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng việc công bố này làm TS hoang mang. Vì vậy đến nay ĐH Quốc gia chưa công bố” – ông Nghĩa cho biết.
Về giải pháp lâu dài để xóa bỏ tình trạng TS ảo cũng như những rối rắm trong việc nộp, rút hồ sơ của TS những ngày qua, ông Nghĩa kiến nghị Bộ GD&ĐT nên mạnh dạn thay đổi kỳ thi “ba chung” như hiện nay (chung đợt thi, chung đề thi, chung đợt xét tuyển) thành “hai chung”, trả công tác xét tuyển về cho các trường.
Ông nghĩa khẳng định nếu đưa về cho các trường xét tuyển thì có thể giải quyết được tình trạng rắc rối hiện nay vì nhà trường đã có nhiều năm kinh nghiệm làm công tác tuyển sinh.
Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT tại TP.HCM, cho rằng với cơ sở dữ liệu chung của Bộ GD&ĐT sẽ xuất hiện tình trạng TS ảo gia tăng do cùng lúc TS đăng ký nhiều ngành nhưng phần mềm này không lọc được. Hệ lụy là số TS sẽ nhân bản lên, gây khó khăn cho công tác sàng lọc TS vào các ngành. Đối với TS sẽ hoang mang không biết thứ hạng của mình ở đâu để nộp hồ sơ, dẫn đến tình trạng TS ùn ùn nộp rồi ào ào rút, mất thời gian và tốn kém chi phí đi lại. “Nên để các trường tự chủ tuyển sinh trên nền dữ liệu chung của Bộ chứ không nhất thiết phải nhúng tay sâu vào việc xét tuyển từng trường ĐH, CĐ” – ông Cường kiến nghị.
PGS-Tiến sĩ Mai Văn Trinh, cục trưởng cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, bộ GD&ĐT: “Các thí sinh vất vả hơn nhưng có cơ hội trúng tuyển cao hơn” Có thể nói tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2015 có những đổi mới theo hướng tạo thuận lợi cho TS, một trong những điều đấy là cho phép TS có thể thay đổi NV đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ. Việc làm này không được thực hiện từ năm 2014 trở về trước, cho nên dẫn đến trường hợp có TS điểm cao vẫn trượt ĐH. Nhưng năm nay có điểm rồi, trên cơ sở đó các em đăng ký xét tuyển vào ngành vừa phù hợp với NV của mình, đồng thời phù hợp với kết quả thi. Với cách làm đó, các em chủ động hơn. Còn với những em không muốn khai thác lợi thế này, các em có thể làm như mọi năm, nộp hồ sơ và ngồi chờ, độ rủi ro rất là cao. Như vậy, qua phân tích như thế ta thấy rằng để khai thác thuận lợi, tận dụng các cơ hội thì các em có vất vả hơn một chút nhưng vất vả nằm trong việc để khai thác thuận lợi và có cơ hội trúng tuyển cao hơn. Huy Hà ghi |
Hướng dẫn thí sinh không phải đến ĐH rút hồ sơ xét tuyển |
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, quyền vụ trưởng vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), cho biết: Về nguyên tắc, các trường THPT, sở GD-ĐT khi nhận được đề nghị thay đổi nguyện vọng của thí sinh sẽ cập nhật ngay thông tin này lên phần mềm quản lý tuyển sinh để dữ liệu được chuyển đến trường đã đăng ĐKXT.
Sau khi trường THPT, sở GD-ĐT cập nhật thông tin lên phần mềm quản lý tuyển sinh thì trường đang lưu ĐKXT của thí sinh (trường A) sẽ nhận được danh sách này và thực hiện việc loại thông tin của thí sinh khỏi danh sách ĐKXT của trường mình như trường hợp thí sinh đến trường rút hồ sơ.
Khi trường PTTH, sở GD-ĐT cập nhật thông tin lên phần mềm quản lý tuyển sinh thì đồng thời, trường mà thí sinh ĐKXT tiếp theo (B) cũng nhận được thông tin ĐKXT của thí sinh. Sau khi trường A loại tên thí sinh khỏi danh sách ĐKXT thì trường B nhập thông tin ĐKXT của thí sinh như trường hợp thí sinh đến trường B nộp hồ sơ.
Như vậy, nếu thí sinh đến các địa điểm trên không quá đông thì quy trình trên sẽ được thực hiện ngay sau khi thí sinh đề nghị thay đổi nguyện vọng ĐKXT. Nếu các điểm trên có đông thí sinh đến giao dịch trực tiếp thì các trường, sở không thể thực hiện ngay tất cả các yêu cầu của nhiều thí sinh cùng một lúc.
Bộ GD-ĐT cũng đã chỉ đạo: Các trường ĐH, CĐ thường xuyên cập nhật thông tin điều chỉnh nguyên vọng ĐKXT do sở GD-ĐT chuyển lên hệ thống phần mềm quản lý tuyển sinh. Theo đó, các trường phải phân công người trực trên mạng để thường xuyên. (Theo Vietnamnet)
Theo nguoidothi.vn