Một bức tranh chân dung chì không đòi hỏi các kĩ thuật quá cao, nhưng những người mới bắt đầu thường gặp những khó khăn nhất định. Chỉ cần nắm được những nguyên tắc cơ bản sau, bạn sẽ có thể dễ dàng vẽ được một bức tranh chân dung để tặng cho người thân và bạn bè, hay chỉ đơn giản là có thêm một “tài lẻ”.. Hãy cùng Jolla tìm hiểu cách vẽ tranh chân dung chì của họa sĩ Zimou Tan nhé!
Sẵn sàng
Điều đầu tiên bạn cần phải có là niềm đam mê, có đủ đam mê thì sự kiên trì và quyết tâm mới xuất hiện. Giai đoạn đầu tiên sẽ rất khó khăn, đầy chông gai và thử thách, tất cả những người học vẽ đều phải trải qua. Vì thế đừng ngại ngùng nản chí khi thấy dù đã làm theo giống hết tất cả những gì họa sĩ làm nhưng tranh của mình lại trông không giống họ, thứ bạn cần chính là sự quyết tâm.
Nếu chắc chắn mình có thể làm được thì cùng đến với những bước tiếp theo nhé!
Chuẩn bị dụng cụ
Để vẽ được một bức tranh chân dung chì, điều đầu tiên chúng ta cần là dụng cụ vẽ:
- Bảng vẽ.
- Giấy vẽ, bạn có thể sử dụng giấy in để vẽ, tuy nhiên các loại giấy chuyên dụng sẽ hỗ trợ nhiều hơn do có độ sần sùi nhất định làm tăng khả năng bám chì, nhờ đó bức tranh của bạn sẽ có thể có đa dạng độ đậm nhạt hơn.
- Bút chì, bạn nên chọn nhiều bút chì có các độ khác nhau: HB, 2B, 3B, 4B,.. để sử dụng cho từng bước khác nhau.
- Gôm
Bắt đầu vẽCŨNG NHƯ CÁC HỌA SĨ KHÁC, ZIMOU TAN CÓ NHỮNG BƯỚC VẼ CƠ BẢN NHƯ SAU:
Bước 1: Dựng hình
Dựng hình bằng chì
Dựng hình là bước đầu tiên và cũng là bước quan trọng nhất trong vẽ chân dung chì, cho dù bạn có đánh bóng đẹp như thế nào đi nữa, nhưng tỉ lệ và hướng hình sai thì bức tranh vẫn sẽ méo mó khó nhìn. Vì thế bạn hãy cố gắng hết sức để công sức của mình không uổng phí nha.
Chúng ta nên dựng hình bằng các đường thẳng từ dài đến ngắn, đơn giản hóa đường cong thành đường thẳng giúp cho việc dựng hình trở nên chính xác hơn, chú ý những mảng miếng, phân rõ sáng tối lớn tránh sa đà vào chi tiết trong bước đầu tiên này. Sau khi tổng thể đã được xác định thì mới đi vào chi tiết.
Bạn có thể sử dụng chì HB giúp cho việc tẩy xóa dễ dàng hơn trong bước này.
Bước 2: Phân tích hình khối cơ bản
Phân tích hình khối cơ bản
Ở bước này, bạn chỉ cần phân tích từng vùng sáng tối từ lớn đến nhỏ, các diện khối trên gương mặt và đánh bóng theo mảng to, trên bài bạn lúc này chỉ có 2 độ một diện sáng và một diện tối. Các nét đan nên mỏng và không quá nhiều lớp, mục đích chính là phân tích khối và hướng ánh sáng. Bạn dùng chì 2B để thực hiện bước này.
Bước 3: Tăng độ đậm nhạt
Tăng sắc độ
Tiếp theo bạn tăng sắc độ bằng lực nhấn của tay, hoặc nếu chưa quen bạn có thể dùng các bút chì mềm hơn (có số B) lớn hơn. Việc tăng sắc độ giúp bài bạn có chiều sâu hơn. Các nét đang không nên quá đều để tạo được chất liệu da, đánh theo chiều của khối và hạn chế chồng lớp ca-rô trong bài. Kĩ năng đánh bóng và quan sát của bạn sẽ cải thiện dần trong quá trình bạn vẽ.
Bước 4: Hoàn thiện bài
Nhấn sáng tối
Đây là bước cuối cùng trong bài vẽ tranh chân dung chì, để hoàn thiện bức tranh, bạn cần tăng điểm nhấn, nhấn sáng tối để bài vẽ hiệu quả nhất.
Bạn có thể đánh nền hoặc không và nhớ rằng có chỗ nhấn thì phải có chỗ buông để bài vẽ được tự nhiên nhé.
Tranh chân dung Zimou Tan
Tóm tắt
Có 4 bước để hoàn thiện một bức tranh chân dung chì:
- Dựng hình
- Phân tích hình khối cơ bản
- Tăng độ đậm nhạt
- Nhấn sáng tối
LƯU Ý: các bước luôn thực hiện từ lớn đến nhỏ, không quá chú trọng vào tiểu tiết sẽ giúp chúng ta có cái nhìn về tổng thể tốt hơn.
Lời kết
Để có một bức tranh vẽ đẹp và hoàn chỉnh, ngoài yếu tố năng khiếu ra chúng ta còn cần những nỗ lực và rèn luyện hết mình, óc quan sát và kĩ năng khéo léo của đôi bàn tay không phải ngày một ngày hai là chúng ta đạt được. Nếu không tin bạn có thể vẽ lại một bức tranh mười lần sẽ thấy rõ sự khác biệt và kĩ năng được cải thiện của bản thân (với điều kiện là không kẻ ô nhé).
Hy vọng bài viết có thể giúp các bạn trong việc vẽ một bức tranh chân dung chì theo phong cách của họa sĩ Zimou Tan , chúc bạn thành công!
Bài Viết Liên Quan:
PINTEREST : 86 HÌNH HỌC VẼ CƠ BẢN CHÂN DUNG