Lượng thí sinh rút, nộp tăng đột biến. Điểm chuẩn dự kiến của các trường vì thế cũng biến động không ngừng theo hướng tăng lên….
Chỉ còn một ngày nữa, cuộc đua xét tuyển nguyện vọng một vào các trường đại học của cả triệu thí sinh sẽ chính thức kết thúc.
Các trường đại học cập nhật thông tin liên tục mỗi ngày thay vì ba lần một ngày như quy định ban đầu. Lượng thí sinh rút, nộp tăng đột biến. Điểm chuẩn dự kiến của các trường vì thế cũng biến động không ngừng theo hướng tăng lên.
Lo lắng, thấp thỏm, nên nộp vào trường nào, rút hay không rút đang là câu hỏi cân não của hàng trăm nghìn thí sinh, đặc biệt là những em đang ở vị trí cuối của các danh sách trúng tuyển dự kiến.
Khi thời gian rút, nhận hồ sơ của các trường đã đi đến những ngày cuối cùng, thí sinh và phụ huynh đứng ngồi không yên. Kênh đăng ký xét tuyển tại các sở giáo dục và đào tạo gần như không hiệu quả vì thí sinh, phụ huynh kéo nhau lên tận trường để làm thủ tục mới yên tâm.
Ngay từ đầu giờ sáng nay, 19.8, thí sinh đã tập trung rất đông tại các trường đại học.
Thí sinh Phạm Bích Ngọc (Đông Hưng, Thái Bình) cho biết, từ 5 giờ sáng, đã tức tốc lên Hà Nội để làm thủ tục rút hồ sơ. Ngọc cho biết mấy ngày nay em gần như không ăn không ngủ được vì lo lắng.
Ngọc được 19,5 điểm, đăng ký vào ngành Kế toán của Đại học Công nghiệp Hà Nội.
Ngọc cho biết, em muốn học ngành kế toán nên đã lọc thông tin ngành này của tất cả các trường. Đầu tiên là những trường nhóm trên như Đại học Kinh tế quốc dân, Học viện tài chính kế toán, các trường này đều lấy điểm nhận hồ sơ từ 17 điểm. “Em định nộp nhưng nghĩ điểm chuẩn của các trường này mọi năm rất cao nên em lại xem xét đến những trường tốp giữa có điểm chuẩn thấp hơn và chọn Đại học Công nghiệp Hà Nội,” Ngọc chia sẻ.
Theo Ngọc, Đại học Công nghiệp Hà Nội năm ngoái điểm chuẩn ngành Kế toán khá thấp, chỉ khoảng 16,5 điểm. Tính đến ngày 16/8, số hồ sơ nộp vào ngành này chưa nhiều và điểm chưa cao. Với mức 19,5 điểm, em ở vị trí giữa trong tổng số 560 chỉ tiêu, điểm chuẩn dự kiến là 18,5 điểm nên khá yên tâm. Ngày 17, Ngọc làm thủ tục đăng ký xét tuyển vào trường.
“Nhưng không ngờ đến trưa hôm qua, 18/8, điểm chuẩn dự kiến ngành này đã ở mức 19,5 điểm, đúng bằng số điểm của em. Trong khi đó vẫn có thể có thí sinh điểm cao hơn nộp hồ sơ vào trường trong ngày nay và ngày mai, em rất có thể sẽ bị bật ra. Em thực sự quá hoang mang nên phải tức tốc lên Hà Nội, thao thức cả đêm, chỉ mong trời sáng,” Ngọc lo lắng nói.
Ngọc bảo, trên đường đi, em vẫn băn khoăn có nên rút hay không rút. Em dự định nộp sang ngành kế toán của Đại học Thủy lợi vì điểm trúng tuyển dự kiến của trường này đang khá thấp, chỉ ở mức 15,5 điểm.
“Em đã cân nhắc rất kỹ, đã cẩn thận chờ các thí sinh khác nộp, nghe ngóng tình hình chứ không vội vàng nộp hồ sơ ngay từ đầu đợt, nhưng em vẫn phải vất vả đi lại để rút hồ sơ!”, Ngọc chia sẻ.
Lo lắng, hoang mang của Ngọc cũng là tâm trạng chung của tất cả các thí sinh có điểm số bấp bênh, vì khoảng cách đỗ trượt khá mong manh và khó lường.
Theo bà Đặng Hương Giang, Trưởng phòng Công tác chính trị sinh viên, Đại học Thủy lợi, rất nhiều thí sinh, phụ huynh đặt câu hỏi, “với mức điểm này em có thể đỗ vào ngành này hay không?” nhưng thực sự đó là câu hỏi rất khó trả lời vì chính nhà trường cũng không biết được đáp án chính xác.
“Mọi năm, trường chỉ tính điểm chuẩn nguyện vọng một trên các thí sinh đã đăng ký vào trường từ trước, còn năm nay, lại phụ thuộc vào các thí sinh đăng ký, mà thí sinh còn đăng ký đến hết ngày mai. Chúng tôi chỉ có thể trả lời các em là đến thời điểm này, với điểm số đó, các em có đang nằm trong vòng an toàn hay không, mức an toàn cao hay thấp,” bà Giang chia sẻ.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thời gian để thí sinh rút, nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng một vào các trường sẽ kết thúc vào cuối giờ chiều mai, ngày 20/8. Trước ngày 25/8, các trường sẽ công bố danh sách thí sinh trúng tuyển nguyện vọng một.
Nếu không trúng tuyển nguyện vọng một, các em vẫn còn cơ hội xét tuyển đại học ở các trường có xét tuyển nguyện vọng bổ sung cũng như các trường xét tuyển dựa trên điểm học bạ bậc trung học phổ thông.
Phạm Mai