Với sự thay đổi bước ngoặt lịch sử của Bộ Giáo dục & Đào tạo, điểm đầu vào xét tuyển ĐH (nguyện vọng 01) năm nay đang tập trung sự thu hút của toàn xã hội. Không ngoài dự đoán đã thành thông lệ từ nhiều năm, điểm đầu vào ngành y dược sẽ vẫn cao chót vót, và năm nay lại có khả năng sẽ cao hơn nữa. Bên cạnh những thí sinh tuyển thẳng, cử tuyển, hoặc được điểm cộng ưu tiên, nhiều tranh cãi là các thí sinh đạt điểm cao nhưng tâm lý vẫn… rối bời.
Thí sinh đạt điểm 27 xét tuyển ngành Bác sĩ đa khoa, 25 điểm xét tuyển ngành Dược sĩ đều không có gì bảo đảm sẽ đậu ĐH tại các trường như ĐH Y, ĐH Dược (Hà Nội), hay ĐH Y- Dược TP. HCM. Thực tế nào đã khiến các ngành này thu hút các thí sinh điểm cao đến vậy? Và như vậy thì có gì hay cho họ và xã hội?
Bác sĩ và dược sĩ luôn được coi là những nghề dễ tìm được việc làm (?), có thể sống bằng nghề mà không quá phụ thuộc vào chế độ XH. Những nghề này lại có tuổi nghề cao, có thể tiếp tục làm việc thêm hàng chục năm sau khi đã nghỉ hưu. Nếu ra trường chưa có việc làm trong cơ quan nhà nước thì việc tìm một chỗ trong các đơn vị tư nhân hay công ty kinh doanh dược là điều không quá khó. Gia đình nội ngoại của tôi có truyền thống học y cũng phần nhiều bởi tư duy của ông ngoại: “Bác sĩ (BS) còn gọi là cái bát sắt, đi đâu cũng có cơm ăn”.
Ngành nghề này cũng được mặc định có thứ hạng khá cao, dễ có thiện cảm và được tôn trọng nhất định trong xã hội Việt nặng tư tưởng Nho giáo, nhất là với tư duy đại ngôn theo kiểu “cống hiến”, “hành nghề giúp đời”. Chữ “giúp” ở đây còn bao hàm cả nghĩa hẹp như là chỗ dựa trong một phạm vi gia đình hay dòng tộc khi có một người theo ngành Y, nhiều khi chỉ đơn giản là cần có một niềm tin. Ước mơ trở thành bác sĩ hay dược sĩ là một mô hình quen thuộc theo kiểu gia truyền, hay “con nhà nghèo học giỏi”. Những ước mơ thực của đứa trẻ có thể đã không được lộ diện bởi sự định hướng nghề nghiệp cảm tính và sơ khai ở các gia đình Việt Nam khi con em họ còn học phổ thông.
Do vậy ngành Y ở Việt Nam lại có thêm sau này các bằng chuyên khoa định hướng, chuyên khoa 01, chuyên khoa 02, hoặc thạc sĩ, tiến sĩ, mà không thể so sánh cách nào với thế giới. Chính vì thế, tấm bằng y dược của Việt Nam không được công nhận trên thế giới, ngoài một số quốc gia châu Phi và bán đảo Ả rập trước đây. Nó khiến cho triển vọng cọ xát nghề nghiệp với bên ngoài bị thu hẹp và những người hành nghề y dược Việt Nam phần lớn đóng cửa chơi trên sân nhà của riêng mình. Không có gì bàn cãi rằng các thí sinh điểm cao đến vậy chắc chắn là học giỏi. Tuy vậy các sinh viên y dược tương lai cần phải cân nhắc rất nhiều. Trước hết, đào tạo y dược ở Việt Nam là không tương đồng với thời lượng đào tạo và chất lượng của thế giới. Bằng cấp BS đa khoa hay dược sĩ tại các nước Bắc Mỹ, châu Âu hay Úc là bằng sau ĐH chuyên nghiệp, cực cấp (không cần bằng cấp gì thêm để hành nghề trong đời) đều đòi hỏi tới 10-11 năm trong đó 04 năm đầu dành cho khoa học cơ sở. Đào tạo BS y khoa trong 06 năm, và dược sĩ trong 05 năm ở Việt Nam thực chất chỉ mang những tiêu chuẩn của cử nhân.
Tiếp theo, đào tạo y dược nói chung có hàm lượng sáng tạo thấp, ở Việt Nam thì lại càng gần như không. Các điểm thi Toán, Hóa ở đỉnh cao của đầu vào, cũng chẳng giúp ích gì nhiều lắm khi các môn học trong trường Y và Dược ở Việt Nam gần như tuyệt đối là học thuộc lòng, và yêu cầu sự kiên nhẫn. Các môn học cơ bản, hay cả các môn học thực hành, thậm chí lâm sàng tại bệnh viện đều vậy.
Lối tư duy sáng tạo tại các trường Y- Dược gần như không có đất sống. Chương trình đào tạo với nhiều môn không liên quan, giáo trình đào tạo cũ kỹ thậm chí từ những năm 80 thế kỷ trước, máy móc thiết bị cho phòng lab thực hành tiền lâm sàng quá thô sơ và thiếu thốn ngay tại các trường hàng đầu. Câu chuyện của những con mọt thư viện, giảng đường, bóng ma ký túc xá nằm đọc sách đến in hằn vết của đầu, mông hay gót chân trên chiếu sau 06 năm học không hề hiếm.
Nhưng học cũng là một chuyện khác trong khi thực hành sau khi ra trường lại dựa chính trên các kinh nghiệm theo kiểu truyền dạy. Thực hành Tây y, kể cả phẫu thuật cũng không khác nhiều lắm với tư tưởng “Đông y gia truyền” ngàn đời.
Tính đào thải trong quá trình học ĐH Y- Dược Việt Nam cũng thấp y như mọi ngành học khác, có nghĩa là gần như vào được trường thì khắc ra trường và có bằng cấp, trong khi tỷ lệ đào thải tích lũy khi học bác sĩ tại các quốc gia phát triển lên tới 50%. Kết quả học tương đối như nhau thôi, nhưng sự phân hóa sau khi ra trường lại là rất lớn. Rất nhiều người sẽ không thực hành y dược mà làm trình dược viên cho các hãng thuốc, hãng sữa, thực phẩm chức năng. Rất nhiều người khác lại lựa chọn công việc bàn giấy tại bộ, các sở, hay các trung tâm với công việc chẳng ăn nhập mấy với những gì đã học.
Với những người thực hành lâm sàng, các chuyên ngành nóng như Sản, Ngoại, Nhi, Mắt luôn đầy ắp người xếp hàng, nhưng các ngành Tâm thần, Truyền nhiễm, Lao, HIV/AIDS, Giải phẫu bệnh thì tìm người mỏi mắt. Bác sĩ, dược sĩ mới ra trường đổ dồn về các bệnh viện tỉnh và trung ương, nơi thu nhập tương đối và điều kiện thăng tiến về nghề nghiệp, trong khi một số nhận thiệt thòi về tuyến xã hay huyện ở các vùng sâu vùng xa.
Tất cả sự phân hóa nhìn thấy rõ nét chỉ sau 05 năm sau khi ra trường, mà nguyên nhân không hẳn do năng lực. Và còn muôn vàn các biến đổi khác tạo nên bởi quan hệ, tiền tệ và hậu duệ.
Các sinh viên tương lai của các trường Y- Dược có lẽ cũng cần hỏi mình có hứng thú và ham thích thực sự với ngành này và cân nhắc mình có đủ sự kiên nhẫn hay không. Cần nhận thức cụ thể hơn để sau này khỏi phải nói câu “biết thế thì…”, có khi chỉ bởi cố gắng sống ước mơ của cha mẹ, họ hàng, bởi không tính đến các đam mê, sở trường, hay năng lực sáng tạo của riêng mình hay bởi “mình điểm cao thì nên vào y dược”. Xã hội có thể có thêm một bác sĩ hay dược sĩ, nhưng cũng có thể mất đi một bộ óc sáng tạo cho những ngành khoa học khác.
Thực tế tại Mỹ và Canada, nơi tôi sống và làm việc nhiều năm, tư duy cố gắng cho con học Y- Dược vẫn tồn tại trong cộng đồng châu Á, nhất là Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam. Trong khi với người sở tại, nó chẳng có nghĩa gì so với ước mơ thực của đứa trẻ.
TS. BS Nguyễn Công Nghĩa, ĐH Waterloo, Ontario, Canada (nguồn Vietnamnet)