1. Định nghĩa vẽ mực nho.
Mực nho là một loại mực màu đen đóng thành thỏi của Trung Quốc đã từng được sử dụng rộng rãi trong quá khứ và cho đến hiện nay vẫn được sử dụng để vẽ.
Vẽ mực nho là kiểu vẽ chỉ dùng màu đen của mực nho với các sắc độ khác nhau để vẽ thành tranh trên giấy hoặc trên lụa.
2. Các họa cụ vẽ mực nho.
2.1. Mực nho.
Có hai loại thỏi mực nho: hình viên trụ hoặc hình chữ nhật dẹt, dài khoảng 8 –10 hay 12cm. Khi dùng, mài thỏi mực nho với nước ra nghiên hay đĩa bắng đá hoặc gốm sứ.
Ngoài ra hiện nay đã có loại mực nho nước đựng trong lọ bằng nhựa, hình hộp chữ nhật, dẹt, cao 12cm.
2.2. Bút nho.
Bút nho là kiểu bút đầu có búp lông dạng tròn, chụm nhọn đầu, cán dài nhiều cỡ làm từ lông thỏ hay dê, có quản bằng ống trúc tròn, ngoài ra còn dùng gỗ, ngà, ngọc và cả kim loại như đồng, sắt, vàng, bạc để làm quản bút.
Bút nho có nhiều loại, để phân loại bút nho, căn cứ vào:
- Độ dài bút: Bút ngọn ngắn, ngọn dài và ngọn vừa.
- Tính năng và nguyên liệu: Bút lông mềm, bút lông cứng. Bút lông mềm thường làm bằng lông dê. Bút lông cứng làm bằng lông cáo, chồn hoặc thỏ rừng.
- Kích cỡ: Loại lớn và loại vừa
2.3. Giấy.
Trong quá khứ, người Trung Quốc sử dụng giấy xuyến chỉ hoặc lụa để vẽ, hai chất liệu này đều có khả năng thấm – hút cao, dễ loang – nhòe, tạo ra các mảng mực rất trong nếu vẽ loãng. Thế nhưng để sử dụng thành thạo giấy xuyến chỉ và lụa vẽ, đòi hỏi người vẽ phải trải qua quá trình luyện tập rất công phu.
Do đó để đáp ứng điều kiện bài học phải đạt kết quả ngắn hạn, chúng ta chỉ sử dung giấy sản xuất công nghiệp hiện nay. Trước hết, ta nên vẽ trên giấy tương đối dày, màu trắng hoặc trắng ngà , hơi sần như canson, conqueror, Bãi Bằng.
2.3.4. Nghiên.
Nghiên là một dụng cụ dùng để mài và chứa mực Tàu. Trên nghiên có thể có một chỗ nhỏ để chứa nước, về sau, chỗ chứa nước này trở thành chỗ chứa mực. Nước thường được chứa trong một món đồ bằng sứ, khi cần thì lấy rưới lên nghiên.
Nghiên có thể làm từ đất sét, đồng thiếc, sắt hoặc sứ.
3. Vẽ tranh mực nho.
3.1. Chuẩn bị.
- Giấy: Đối với sinh viên thì tốt nhất và tiện nhất là giấy canson hoặc conqueror, hơi dày và hơi sần, những giấy này có đủ độ hút mực, không quá loang nhòe, không dễ nhăn nheo khi vẽ. Với các loại giấy cổ truyền như giấy dó hoặc xuyến chỉ chỉ thích hợp với các họa sĩ đã thành thạo tay nghề, thậm chí đã chuyên sâu trong lĩnh vưc này.
- Bút vẽ: Loại bút có quản ống tre – trúc, lông mềm, đường kính quản bút khoảng từ 6 – 10mm, có cả nắp đậy cũng bằng ống tre -trúc. Loại bút khác dạng bẹt với cán gỗ bịt sắt cũng được. Chú ý: không dùng bút lông cứng.
- Mực nho: Loại mực nước dùng để vẽ bút lông nhập từ Trung Quốc.
- Dụng cụ pha mực: Palette chuyên dụng bằng nhựa, có những ô trũng cách đều.
- 2 ống đựng nước (1 để pha mực, 1 để rửa bút).
- Bảng vẽ, kẹp sắt, giá vẽ (loại gấp lại được cho gọn).
3.2. Các bước vẽ.
3.2.1. Bước 1: Phác hình bằng chì.
Đã vẽ mực nho là không thể tẩy xóa, các sinh viên tốt nhất nên phác trước bằng chì, nên phác nhẹ tay vào những đường nét đại thể và chính yếu. Không phác quá mạnh (sẽ gây vết hằn trên giấy), không tô đậm nét chì (sẽ không bắt mực).
3.2.2. Bước 2: Phác hình bằng nét mực nhạt.
Phác lại bằng các nét mực nhạt trên cơ sở của nét phác chì, nên cầm đứng bút cho nét chuẩn hơn. Có thể phác lại ở các vị trí quan trọng.
3.2.3. Bước 3: Tô các mảng chính và vị trí trọng tâm.
Có thể lựa chọn vẽ theo hai cách: Từ nhạt đến đậm (chắc ăn nhất với sinh viên) và từ đậm đến nhạt (đòi hỏi người vẽ vững tay nghề, nhiều kinh nghiệm). Dù theo cách nào thì vẫn phải tô vào các mảng chính và vị trí trọng tâm trước, sau đó hoàn thiện dần.
3.2.4. Bước 4: Tuần tự nhuộm dần cho đến khi xong.
3.2.5. Bước 5: Tỉa tót, chỉnh sửa.
Khi đã đủ đậm nhạt, bức vẽ cần nhấn nhá để hoàn thiện, tập trung vào các chi tiết ở trọng tâm để làm kỹ hơn, chính xác hơn, mạnh hơn nhằm hấp dẫn hơn.
4. Nhược điểm của vẽ mực nho.
- Chỉ có một màu mực đen với các sắc độ đậm nhạt khác nhau.
- Tuyệt đối không pha trắng . Do đó phải tính toán để chừa nền giấy.
- Không thể tẩy xóa, cũng không thể vẽ đè mảng sáng lên mảng tối hơn nên phải tính toán kỹ và vẽ từ tốn. tốt nhất là theo phương án nhuộm dần.
Bài viết liên quan: